Năm 2011, Việt Nam sẽ xuất khẩu bột giấy

Ông Vũ Ngọc Bảo, Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho biết, việc các dự án đầu tư sản xuất giấy và bột giấy đang được đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nếu đúng với kế hoạch đã đề ra, đến năm 2011, Việt Nam bắt đầu dư thừa bột giấy để có thể xuất khẩu.

Theo kế hoạch, đến năm 2012, hàng loạt dự án sản xuất bột giấy lớn, cả bột hóa (bột nấu tẩy cho sợi dài) và bột cơ (bột mài) đồng loạt đi vào hoạt động, năng lực sản xuất bột giấy toàn ngành sẽ tăng rất cao, Việt Nam sẽ là nước xuất khẩu bột giấy có vị thế trên thế giới và buộc một chu kỳ đầu tư mới để sử dụng số bột trong nước làm ra nhằm sản xuất các mặt hàng mới.

Theo số liệu thống kê, năm 2008 cả nước nhập khẩu khoảng 155.000 tấn bột các loại và năm 2009 lượng bột nhập sẽ giảm do nhu cầu trong nước giảm và một số dự án lớn của tư nhân và các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu hoạt động.

Đáng chú ý là năm 2009 dự án VinaKraft có công suất 220.000 tấn/năm và 2 dự án tư nhân tại Bến Tre và Hải Phòng có công suất trên 100.000 tấn/năm sẽ được đưa vào hoạt động. Lần lượt trong các năm tiếp theo sẽ là dự án An Hòa, Tân Mai, Phương Nam (Long An), Incomex (Quảng Nam), Sài Gòn – Bình Định (của Tập đoàn Tân Tạo đầu tư tại Bình Định), Lee&Man, Tổng Công ty Giấy Việt Nam… sẽ đưa năng lực sản xuất bột giấy các loại tăng thêm gần 1,5 triệu tấn.

Như vậy vào năm 2011, toàn bộ năng lực sản xuất của ngành (giấy và bột giấy) vào khoảng 2,8 triệu tấn (tăng gần gấp 3 lần hiện nay), trong khi tiêu dùng trong nước dự kiến 2 – 2,2 triệu tấn.

Với một bức tranh khá rõ ràng về sự phát triển của ngành giấy như vậy, lời khuyên từ Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam là những nhà đầu tư có ý định đầu tư vào ngành giấy nên đầu tư các dự án bột giấy có quy mô lớn để giảm chi phí và dễ xử lý tác nhân gây ô nhiễm môi trường.

Đồng thời, nên chú trọng đầu tư các sản phẩm giấy cao cấp mà hiện nay trong nước chưa sản xuất được, chủ yếu phải nhập khẩu trong ngành in ấn, bao bì… Có như vậy mới tránh được tình trạng cạnh tranh nội bộ giữa các doanh nghiệp trong nước, thiếu hụt nguyên liệu sản xuất do vùng nguyên liệu không đủ sản lượng đáp ứng năng lực sản xuất của các nhà máy.

Phước Ngọc