Nhu cầu thị trường gia tăng mạnh kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đang mở ra triển vọng sáng cho các doanh nghiệp ngành giấy.
Thống kê của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) cho thấy, trong 5 tháng đầu năm, sản xuất giấy ước đạt 1,85 triệu tấn, tăng trưởng 7,8% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu giấy đạt 656.900 tấn, tăng tới 97,4%; nhập khẩu giấy đạt 853.100 tấn, tăng trưởng 7,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, các sản phẩm giấy bao bì và giấy tissue tăng trưởng cả về sản xuất, xuất khẩu và nhập khẩu.
Ðặc biệt, ở phân khúc giấy tissue, nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu tăng đột biến tới 40,2% so với cùng kỳ do dịch bùng phát là cơ hội thuận lợi cho một số doanh nghiệp có năng lực sản xuất cao.
Với xu hướng tích cực của thị trường, Công ty cổ phần Ðông Hải Bến Tre (DHC) vừa có nửa đầu năm rất tích cực.
Cụ thể, trong quý II, Công ty ghi nhận doanh thu thuần 649 tỷ đồng, cao gấp 2,8 lần so với cùng kỳ; lãi sau thuế gần 79 tỷ đồng, tăng 212% so với quý II/2019. Lũy kế 6 tháng đầu năm, DHC đạt doanh thu thuần 1.320 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ; lãi sau thuế 168 tỷ đồng, tăng 3,5 lần cùng kỳ 2019.
Lợi thế lớn về quy mô và năng lực sản xuất trong lĩnh vực sản xuất giấy kraft, bao bì carton khi Nhà máy Giấy Giao Long giai đoạn II đi vào hoạt động chính thức, giúp DHC có ưu thế cạnh tranh so với các đối thủ trong ngành.
Bên cạnh đó, với việc sở hữu thị phần lớn trong mảng bao bì cho ngành thủy sản, may mặc, dược phẩm, DHC được dự báo sẽ tiếp tục đạt mức tăng trưởng mạnh trong 2 quý cuối năm và xa hơn khi nhu cầu sản phẩm này vẫn đang gia tăng.
Ðứng trước nhu cầu tăng mạnh ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu, mới đây, CTCP Tập đoàn Hapaco đã quyết định đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất giấy tissue. Kỳ vọng dự án mới sẽ đem lại sự khởi sắc về hiệu quả kinh doanh của Công ty trong tương lai đã giúp cổ phiếu HAP có chuỗi tăng trần 12 phiên liên tiếp.
Các cổ phiếu ngành giấy khác như GVT (Giấy Việt Trì) hay VID (Công ty Ðầu tư phát triển thương mại Viễn Ðông) cũng tăng mạnh trong thời gian gần đây nhờ các thông tin liên tục về mức tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng từ cuối năm 2019 và hai quý đầu năm 2020, cùng các dự án đầu tư năng cao năng lực sản xuất trong lĩnh vực giấy cũng như mở rộng sang một số lĩnh vực khác.
Tại Ðại hội đồng cổ đông thường niên 2020, GVT đã thông qua kế hoạch đầu tư thêm dây chuyền sản xuất giấy bao bì bao gồm đầu tư máy xeo 2 lưới công suất 100.000 tấn/năm.
Năm 2019 và 2020 được lãnh đạo GVT đánh giá là thuận lợi nhờ cầu thị trường tại các phân khúc sản phẩm có chất lượng khá vẫn giữ ổn định, trong khi giá các loại nguyên liệu giấy trên thị trường thế giới giảm mạnh.
Ðón đầu nhu cầu gia tăng của thị trường, GVT đang có kế hoạch đầu tư nâng công suất dây chuyền giấy toàn Công ty lên 150.000 tấn/năm.
Năm 2019, GVT đặt mục tiêu đạt sản lượng 98.500 tấn giấy các loại, tăng 7%. Lợi nhuận sau thuế tăng 91%, đạt gần 72 tỷ đồng. Năm 2020, GVT đặt mục tiêu doanh thu tối thiểu 1.200 tỷ đồng và lợi nhuận từ 80 tỷ đồng trở lên, tăng khoảng 11% so với năm 2019.
Trong lĩnh vực sản xuất giấy in, giấy viết tuy tăng trưởng 2 quý đầu năm giảm so với cùng kỳ 2019, song theo nhận định của VPPA, nhu cầu tiêu dùng giấy in, giấy viết đang tăng trưởng trở lại vào quý III/2020.
Sản xuất gia công vở, sổ xuất khẩu và sản xuất gia công tiêu thụ nội địa cũng đã tăng trở lại khi học sinh, sinh viên đi học ổn định trở lại và vào mùa thi cử.
Ðây là thông tin tốt cho các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm trong phân khúc này bao gồm Giấy Bãi Bằng, Tổng Công ty Giấy Việt Nam cùng các doanh nghiệp thành viên khác.
Nguồn: kinhtechungkhoan.vn